Lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)
Lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1 - Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)
Vài năm trở lại đây, tăng trưởng xanh là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Mục tiêu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Để đảm bảo tăng trưởng xanh, nhiều quốc gia đã đặt ra kế hoạch sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn cho từng ngành, từng lĩnh vực và có lộ trình giảm phát thải khí nhà kính. Dự kiến đến năm 2050, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ đạt net zero.
Sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo được xem là một giải pháp kích hoạt cho kinh tế xanh phát triển nhanh hơn. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển điện gió, điện mặt trời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm nhiều phát thải ra môi trường. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu phát triển tốt nguồn năng lượng tái tạo trên sẽ đóng góp cho GDP của Việt Nam từ 70-80 tỷ USD/năm. Hiện nay, những vướng mắc liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đã cơ bản được tháo gỡ. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) sẽ thuận lợi hơn trong đầu tư vào điện gió, điện mặt trời.
Đồng Nai có số giờ nắng bình quân trong năm thuộc tốp đầu cả nước nên rất thuận lợi cho phát triển điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, tỉnh là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam với 39 khu công nghiệp (hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động), nhu cầu sử dụng điện lớn thứ 4 trong cả nước. Sản phẩm công nghiệp ở Đồng Nai trên 70% dành cho xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đây đều là những quốc gia đòi hỏi cao về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm xanh, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế sẽ được người tiêu dùng các quốc gia trên ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Vì thế, các DN ở Đồng Nai có hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường này đang có “cuộc đua” tham gia vào sản xuất xanh. Nhiều DN ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách tự đầu tư điện mặt trời áp mái hoặc mua lại của DN khác.
Theo tính toán của các DN, đầu tư điện mặt trời cùng lúc đem lại 2 lợi ích lớn là đảm bảo tiêu chí cho sản xuất xanh; sau 5 năm sẽ thu hồi vốn bỏ ra đầu tư và bắt đầu có lời. Trong khi hệ thống điện mặt trời áp mái có thể hoạt động từ 12-15 năm. Như vậy, các DN sử dụng nhiều điện, đầu tư năng lượng tái tạo có thể thu lợi nhuận lớn. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo không sử dụng hết có thể bán trực tiếp cho các nhà máy lân cận.
Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch điện này bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành Điện trong hiện tại và tương lai.
Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.
Cũng theo Viện Năng lượng, cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới.
Về chương trình phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP.HCM và Đồng bằng sông Hồng.
Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam.
Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000km đường dây, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000km đường dây. Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95GVA và gần 21.000 km đường dây, 108GVA và hơn 4.000 km đường dây.
Viện Năng lượng tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).
Tại Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện như khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai, khả năng thâm nhập của các phương tiện giao thông sử dụng điện năng, tác động của các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải...
Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.